DU LỊCH VÀ DI TÍCH HỒNG KỲ

Di tích Cách mạng Tân Yên - dấu tích bước mở đầu vẻ vang của phong trào cách mạng Hồng Kỳ, Đa Phúc
Ngày đăng 17/09/2024 | 05:51  | Lượt truy cập: 47

 Câu chuyện bắt đầu năm 1933, khi đồng chí Nguyễn Tạo - cán bộ Ban Tài chính quản trị T.Ư và đồng chí Lê Đình Tuyển - Ủy viên Thành ủy Hà Nội, là những đảng viên thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng (từ nhà tù Hoả Lò - Hà Nội vượt ngục thành công cuối năm 1932) qua chỗ quen biết đã tới đồn điền của Đỗ Đình Thông (ấp Tân Yên) để làm ăn sinh sống và hoạt động cách mạng.

Ảnh tư liệu về nơi thành lập Chi bộ Tân Yên năm 1933.
Ảnh tư liệu về nơi thành lập Chi bộ Tân Yên năm 1933.

Từ đây, hai đồng chí nắm tình hình Hà Nội, đẩy mạnh việc gây dựng cơ sở, xúc tiến việc khôi phục phong trào. Ở đồn điền của Đỗ Đình Thông, đồng chí Tạo được đồng chí Nguyễn Văn Thư (người Tiên Dược lên làm ăn, sinh sống ở ấp Tân Yên) tìm cho việc làm ở ấp Tân Yên.

Nhà đồng chí Thư cũng trở thành nơi ăn, ở, đi lại hoạt động của hai đồng chí Tạo, Tuyển. Sau một thời gian cùng sống gian khổ với tá điền, các cán bộ của Đảng đã có dịp thâm nhập quần chúng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con và dần dần từng bước tuyên truyền, giác ngộ, đưa một số quần chúng vào tổ chức.

Ban đầu, các cán bộ của Đảng đã gây dựng được hai cơ sở cách mạng ở ấp Tân Yên và ấp Đồng Thố, dần dần gây dựng thêm các cơ sở ở các làng, ấp trong đồn điền.

Nhiều nông dân, tá điền tích cực được giác ngộ cách mạng đã tham gia hoạt động hình thành nên tổ chức nông hội, tự vệ bí mật. Trong quá trình hoạt động, một số hội viên hăng hái, giác ngộ nhất trong các tổ chức này đã được kết nạp vào Đảng.

Xây dựng hạt nhân cộng sản lãnh đạo phong trào ở địa phương, tại Lò Bát của Đỗ Đình Thông, chi bộ Tân Yên (huyện Đa Phúc), nay thuộc xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) - chi bộ đầu tiên của tỉnh Phúc Yên được thành lập ngày 17/3/1933, do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Lúc đầu, chi bộ Tân Yên có 6 đảng viên.

Sự ra đời của chi bộ cộng sản với chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức nông hội, lãnh đạo tá điền đấu tranh chống áp bức, bóc lột và cử cán bộ xây dựng cơ sở mới đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng phát triển.

Đến tháng 5/1933, cả 24 làng, ấp của đồn điền Đa Phúc đã có hội viên nông hội. Chi bộ đã cử ra một Ban Chấp hành nông hội để phụ trách chung. Chi bộ cũng cho lưu hành tờ báo bí mật “Tia sáng”, nhiều tài liệu thơ ca cách mạng, đồng thời mở lớp dạy chữ quốc ngữ để nâng cao giác ngộ chính trị và kiến thức văn hoá cho đảng viên và quần chúng cách mạng…

Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Tân Yên tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Tân Yên tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Tuy chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, song sự thành lập và hoạt động của chi bộ Tân Yên đã chứng tỏ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng được giai cấp nông dân ủng hộ. Nông dân, tá điền Đa Phúc nói chung, nông dân, tá điền các ấp thuộc Hồng Kỳ nói riêng có tinh thần quật khởi cách mạng, quyết tâm đi theo Đảng làm cách mạng.

Mặc dù tổ chức Đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống nhưng sự kiện thành lập chi bộ Tân Yên (huyện Đa Phúc) - chi bộ đầu tiên của tỉnh Phúc Yên lúc đó và cũng là chi bộ đầu tiên của xã Hồng Kỳ, của huyện Sóc Sơn và của vùng nông thôn phía Bắc Thủ đô sau này, là bước mở đầu rất vẻ vang của phong trào cách mạng Hồng Kỳ chuyển mình theo con đường cách mạng vô sản. 

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn chúc mừng 90 năm ngày thành lập Chi bộ Tân Yên.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn chúc mừng 90 năm ngày thành lập Chi bộ Tân Yên.

Bản đồ hành chính